Trước tình trạng thiếu hụt hotline tham vấn miễn phí cho người gặp khủng hoảng tâm lý ở Việt Nam, dự án Đường dây nóng Ngày mai ra đời với mong muốn lấp đầy khoảng trống đó.
Gần 20 năm trước, khi trực tổng đài 1088 (dịch vụ kết nối người sử dụng tới các chuyên gia tư vấn trong nhiều lĩnh vực như pháp luật, y tế, sức khỏe, tin học, giáo dục, tâm lý tình cảm, viễn thông…), chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành, hiện là nghiên cứu sinh chuyên ngành Tâm lý tại Đại học Quốc gia Trung Chính (Đài Loan, Trung Quốc), nhận được cuộc gọi lúc 0h của một thiếu niên đang tuyệt vọng vì cô đơn.
Cậu thốt lên: “Em không muốn sống nữa, không ai cần em cả”. Bà Hà Thành trò chuyện khá lâu để lắng nghe những giày vò nội tâm của cậu về cảm giác trơ vơ trong nhung lụa, nhưng mất kết nối với người thân.
Nhiều năm qua, chuyên gia tâm lý Hà Thành từng tiếp xúc rất nhiều bạn trẻ bị trầm cảm, rối loạn cảm xúc, thậm chí có ý định t.ự s.át, nhưng không tự giải quyết được, không thể nói ra với ai.
Từng học tập tại Đức, Đài Loan (Trung Quốc) và làm việc cho dự án Lãnh đạo nữ của ĐH Flinders, Australia, bà Hà Thành nhận thấy hầu như quốc gia phát triển nào cũng có hotline hỗ trợ cho người trẻ có vấn đề về trầm cảm. Tuy nhiên, đây là điều còn thiếu ở Việt Nam.
TS Đặng Hoàng Giang (trên) và chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành đồng khởi xướng dự án Đường dây nóng Ngày mai.
Đầu năm 2020, chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành trao đổi với TS Đặng Hoàng Giang, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Cộng đồng (CECODES), về ý tưởng thành lập một đường dây nóng cho nhóm người còn thiếu hệ thống hỗ trợ.
Sau hơn 1 năm, dự án Đường dây nóng Ngày mai vừa được ra mắt.
“Đã đến lúc Việt Nam cũng cần có hotline hỗ trợ cho người trẻ có vấn đề về trầm cảm, rối loạn cảm xúc. Đôi khi, ở những giây phút lóe lên trong đầu ý tưởng t.ự s.át, cảm thấy cuộc đời đầy u tối, họ chỉ cần có người lắng nghe đúng lúc, đúng cách để vượt qua”, bà Hà Thành nói với Zing.
Theo TS Đặng Hoàng Giang, Đường dây nóng Ngày mai là sáng kiến cộng đồng, phi lợi nhuận, không phải dịch vụ tư vấn tâm lý chuyên nghiệp, không thể làm thay công việc của các nhà tâm lý, bác sĩ tâm thần.
“Chúng tôi chỉ lắng nghe các cuộc điện thoại từ những cá nhân gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần, từ đó giúp họ kết nối với các chuyên gia phù hợp”, ông Giang nói.
Ở đợt 1, từ 120 hồ sơ ứng tuyển, dự án sẽ chọn ra 30 tình nguyện viên thông qua bài test. Nhóm này được tham gia khóa tập huấn với các chuyên gia, sau đó trực điện thoại để giúp đỡ người gọi đến với cách phản ứng hợp lý, thấu cảm và không phán xét.
Nhiều bạn trẻ, phụ huynh có con đã và đang gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần chia sẻ tại sự kiện ra mắt Đường dây nóng Ngày mai.
Với 20 năm làm việc trong lĩnh vực tư vấn tâm lý, cùng 10 năm kinh nghiệm vận hành hotline, chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành đóng vai trò tạo ra chương trình đào tạo cho tình nguyện viên theo mô hình của nước ngoài, có điều chỉnh điều kiện phù hợp với Việt Nam.
Hàng tuần và tháng, dự án sẽ tổ chức các hoạt động hỗ trợ nhóm tình nguyện viên trực điện thoại để chất lượng của họ ngày càng được ổn định và đi lên. Sau 3-4 tháng, nếu đường dây nóng hoạt động tốt, đợt tuyển tình nguyện viên mới sẽ tiếp tục diễn ra.
Theo hai người khởi xướng, khó khăn khi vận hành dự án Đường dây nóng Ngày mai là lĩnh vực rối loạn cảm xúc, sức khỏe tâm thần ở Việt Nam còn nằm trong bóng tối, bị xem là vấn đề kiêng kỵ, ít được nói đến công khai.
“Trong xã hội, 5-10% đã và đang bị trầm cảm nhưng rất nhiều người trong số đó không dám nói ra tình trạng của mình. Trong khi đó, vẫn còn nhiều người coi bệnh trầm cảm là lười biếng, ích kỷ, vô kỷ luật. Do đó, một trong những mục đích của dự án còn là phá bỏ những định kiến, kỳ thị của xã hội”, TS Đặng Hoàng Giang chia sẻ.
Chăm sóc bệnh nhân đột quỵ như thế nào để quá trình phục hồi nhanh chóng và hiệu quả?
Sau khi bị đột quỵ có thể gặp một số di chứng, lúc này vai trò của người chăm sóc rất quan trọng. Hiểu biết về đột quỵ cũng như cách chăm sóc bệnh nhân đột quỵ có ý nghĩa quan trọng trong quá trình phục hồi chức năng.
Để việc chăm sóc bệnh nhân đột quỵ cũng như việc phục hồi được hiệu quả, người nhà cần chú ý loại bỏ các yếu tố nguy cơ gây tai biến mạch m.áu não, ngăn ngừa tái phát của bệnh như hút thuốc, tăng huyết áp, thói quen ăn mặn… Vậy cần phải chăm sóc bệnh nhân đột quỵ như thế nào cho đúng?
1. Đặt tư thế nằm là lưu ý quan trọng trong chăm sóc bệnh nhân đột quỵ
Người bệnh cần được đặt ở tư thế đúng để giảm bớt sự co cứng, đề phòng biến dạng khớp. Có các tư thế đặt bệnh nhân sau:
Nằm ngửa:
Vai và hông bên liệt được kê gối mềm, khớp gối gập nhẹ; cổ chân được kê vuông góc với cẳng chân để tránh biến dạng gập bàn chân về phía lòng bàn chân.
Nằm nghiêng sang bên liệt:
Vai bên liệt gập, cánh tay duỗi vuông góc với thân, thân mình nửa ngửa, chân liệt duỗi. Tay lành để trên thân hoặc gối đỡ phía lưng, chân lành gập ở háng và gối.
Nằm nghiêng sang bên lành:
Vai và cánh tay bên lành để tự do. Chân lành để duỗi. Thân mình vuông góc với mặt giường. Tay liệt có gối đỡ để vuông góc với thân. Chân liệt có gối đỡ ở tư thế gập háng và gối.
2. Cách lăn trở người bị đột quỵ
Nên hướng dẫn để người bệnh tự lăn trở, nếu khó khăn trong giai đoạn đầu người nhà có thể hỗ trợ người bệnh lăn trở, cách hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân đột quỵ lăn trở như sau:
– Lăn sang bên liệt:
Nâng tay và chân lành lên. Đưa chân và tay lành về phía bên liệt. Xoay thân mình sang bên liệt.
– Lăn sang bên lành:
Làm các động tác theo trình tự sau đây: Cài tay lành vào tay liệt. Giúp người bệnh, gập gối và háng bên liệt. Dùng tay lành kéo tay liệt sang phía tay lành. Đẩy hông người bệnh xoay sang bên lành.
3. Hỗ trợ ngồi dậy là cần thiết khi chăm sóc bệnh nhân đột quỵ
Ngồi dậy từ tư thế nằm ngửa:
Người nhà ngồi bên cạnh người bệnh. Người bệnh bám hai tay vào cánh tay của người thân. Một tay người nhà quàng và đỡ vai người bệnh. Đỡ người bệnh ngồi dậy từ từ.
Ngồi dậy từ tư thế nằm nghiêng:
Cách thứ nhất: Người bệnh nằm nghiêng về phía bên liệt, chân trên gập. Người nhà ngồi phía sau người bệnh. Một tay đỡ vai dưới, tay kia đỡ vai trên người bệnh. Người bệnh chống tay khoẻ để ngồi lên, trong khi người nhà nâng người bệnh nhân dậy.
Cách thứ hai: Người bệnh nằm nghiêng bên lành cạnh mép giường. Chân lành luồn dưới gót chân liệt đưa chân liệt ra ngoài mép giường. Thả cả hai chân xuống dưới cạnh giường.
Chống khuỷu tay lành lên mặt giường, duỗi tay lành để đẩy thân mình ngồi lên. Khi đó người nhà đỡ vai dưới để hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân đột quỵ ngồi dậy.
4. Những lưu ý khác khi chăm sóc bệnh nhân đột quỵ
– Cửa đi cần mở đủ rộng để xe lăn qua được dễ dàng, đặc biệt là cửa thông phòng, cửa vào khu vệ sinh và bếp. Lối đi qua những cửa này không nên có bậc để xe lăn có thể qua được.
– Chỗ ngồi để tắm có thể dùng một ghế tựa, đặt gần vòi nước cho dễ sử dụng. Khi tắm, người khuyết tật có thể dùng một que dài buộc vào rối cọ để kỳ cọ phần thân thể bên liệt.
– Nếu trong nhà không có bệ vệ sinh có thể chuyển bệ vệ sinh xổm thành loại bệt cho người bệnh dễ sử dụng. Trong trường hợp không có điều kiện lắp đặt, có thể dùng một ghế tựa đục lỗ ở giữa. Bệnh nhân ngồi trên ghế và đặt bô hoặc xô chứa dưới gầm ghế.
– Sau tai biến, người bệnh thường bị rối loạn cảm xúc như: trầm cảm, không ham muốn, thiếu động cơ tập luyện, không cố gắng. Do vậy, tuỳ theo tâm lý mà người nhà có cách chăm sóc bệnh nhân đột quỵ thích hợp. Hỗ trợ, nâng đỡ, động viên họ, giúp họ tham gia tích cực vào việc tập luyện và phục hồi chức năng.