Mỗi dịp Tết, nấu một nồi chè hoa cau để dâng Phật, cúng gia tiên vào đêm giao thừa đã trở thành nếp nhà của nhiều gia đình. Cách nấu chè hoa cau không quá cầu kỳ, phức tạp, nguyên liệu cũng đơn giản nhưng tinh tế, người nấu chú tâm vào món chè chay thanh tịnh để bày lên ban thờ trong giây phút trang trọng.
Tinh tế chè hoa cau
Gọi tên là chè hoa cau có lẽ là do những hạt đỗ xanh tách vỏ sau khi đã nấu chín sóng sánh trong lớp bột sắn giống những bông hoa cau li ti màu trắng ngà rụng xuống thềm và mùi thơm của bát chè thoang thoảng như hương cau trong gió xào xạc.
Bát chè hoa cau truyền thống gồm những vật phẩm gần gũi thường thấy ở chợ, ở quê, đó là bột sắn, là đỗ xanh, là chút đường và vài bông bưởi, bông nhài. Ấy vậy mà bát chè hoa cau chứa đựng một sự khéo léo, tinh tế và cả sự chăm chút của người nấu.
Không quá cầu kỳ thật là bởi mẻ đỗ xanh hạt tiêu ruột vàng đã được ngâm, đãi kỹ càng, rắc một chút muối và khi đồ xôi, chủ nhà sẽ cố ý để một phần đỗ trên cùng và khi chín sẽ xới riêng để nguội, chờ đến tầm khuya mới nấu nồi chè hoa cau đợi đến giao thừa dâng cúng trời đất, tổ tiên.
Chè hoa cau.
Thường thì bột sắn cũng đã được ướp bông nhài, bông bưởi nên khi hòa bột để quấy cùng đường đã dậy lên mùi thơm thanh mát. Sau khi tan đường và bột sắn sẽ đặt lên bếp lửa nhỏ liu riu và khuấy nhẹ tay nhưng phải luôn tay vì nếu không đều, bột sắn có thể bám dày ở góc nồi. Đợi đến khi bột sắn đã ngả từ màu trắng đục sang màu trắng trong dần và hơi sánh lại thì dùng tay sạch để rắc những nắm đậu từ trên xuống một cách khéo léo. Hình ảnh này cũng tựa như những bông hoa cau li ti thơm ngát rụng từ trên cây xuống sân nhà sau mỗi cơn gió thổi. Khi múc ra bát nhỏ, bát chè trông rất bắt mắt với màu vàng nhạt tự nhiên của đậu xanh, màu trắng trong của bột sắn cùng vị thơm nhẹ thoảng mùi hương hoa.
Chè hoa cau ở mỗi địa phương cũng có những biến tấu vùng miền như có người ướp hoa bưởi, hoa nhài vào bát đựng chè, có nơi thì chè hoa cau lại được nấu với cốm, rưới thêm chút nước cốt dừa để tăng thêm hương vị và độ ngọt cho chè.
Cách nấu chè hoa cau đơn giản
Đỗ xanh tách vỏ.
Nguyên liệu:
- Đỗ xanh khô đã đãi vỏ: 200 – 300g
- Đường trắng hoặc đường phèn: 200g.
- Bột sắn dây: 150g.
- Nước khoảng 500ml.
- Bột vani hoặc tinh dầu hoa bưởi, hoa nhài.
- Muối: một chút.
- Nước cốt dừa (có thể thêm hoặc không tùy khẩu vị cá nhân).
Đỗ xanh, bột sắn, đường kính là những nguyên liệu chủ đạo của món chè hoa cau đơn giản.
Hướng dẫn:
– Đỗ xanh sau khi đã xát vỏ, rửa sạch và ngâm trong nước ít nhất 3 giờ để đỗ mềm. Nếu có thể, nên ngâm đỗ qua đêm để đảm bảo đỗ xanh nở đều, khi nấu sẽ trở nên dẻo và mềm mại hơn.
– Sau khi vớt đỗ xanh ra khỏi nồi, thêm chút muối (khoảng 1/2 thìa cafe) vào và trộn đều. Tiếp theo, đem hấp hoặc đun chín cho đến khi đậu xanh nở bung, hạt mềm tơi nhưng không vỡ, không nát.
– Hòa tan 150g bột sắn dây trong 150ml nước lạnh đều tay để không bị vón cục khi khuấy trên bếp.
– Đun sôi 1 lít nước trong nồi, sau đó thêm 200g đường vào nước sôi và khuấy đều cho đường tan. Bột sắn dây đã được pha trước, đợi 2 phút để lắng bớt và sau đó từ từ đổ vào nồi nước đường, khuấy đều để sắn dây tan đều với nước đường.
Khi bột sắn trong dần là lúc có thể cho đỗ xanh đã hấp chín vào nồi khuấy nhẹ.
– Khi bột sắn dây chuyển sang màu trong sáng mịn, đó là dấu hiệu bột đã chín. Lúc này, thêm đỗ xanh vào nồi và đun, đồng thời thêm chút vani hoặc tinh dầu vào. Khi đã đun sôi, tắt bếp.
– Để chè hoa cau thêm ngon, có thể thêm nước cốt dừa (tùy khẩu vị) để có hương vị thơm ngon, ngậy béo.
Yêu cầu thành phẩm chè hoa cau ngon có vị ngọt thanh vừa phải, sánh, đỗ xanh chín mềm, không vỡ.