Một số phương pháp tự nhiên dưới đây giúp giảm cảm giác đau họng, giảm tiết dịch nhày, giảm ho khi bị viêm họng trong mùa lạnh.
Nội dung
1. Viêm họng có nguy hiểm hay không?
Mùa lạnh kèm mưa ẩm kéo dài khiến nhiều người bị đau rát họng, viêm họng, viêm mũi xoang gây ảnh hưởng tới công việc hàng ngày. Tuy nhiên, đau họng là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất của người bệnh đến khám với bác sĩ.
Theo PGS.TS.BS. Phạm Thị Bích Đào – Bộ môn Tai Mũi Họng (Trường Đại học Y Hà Nội), viêm họng thường xuất hiện nhiều hơn vào mùa lạnh. Viêm họng thường biểu hiện đặc trưng bởi dấu hiệu đau họng. Biểu hiện đau rát họng hoặc nuốt khó cũng là các dấu hiệu của viêm họng.
Viêm họng thường do virus gây ra, giống virus gây cảm lạnh thông thường hoặc cúm, cũng có thể do liên cầu khuẩn gây viêm họng nặng hơn và cần điều trị đúng phác đồ của bác sĩ chuyên khoa. Theo BS. Bích Đào, thời gian ủ bệnh viêm họng trung bình từ 2-5 ngày. Tùy theo sức đề kháng của cơ thể mà các biểu hiện của viêm họng cũng khác nhau: đau, khô và ngứa họng. Ngoài ra, bệnh nhân hắt hơi, chảy mũi, đau đầu, ho, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt.
Viêm họng do vi khuẩn không được điều trị kịp thời dễ dẫn đến biến chứng viêm amidan, nhiễm trùng tai,…
Nếu viêm họng do virus, tình trạng này có thể tự biến mất sau một vài ngày nghỉ ngơi. Khi bị viêm họng nguyên nhân nhiễm trùng do vi khuẩn cần được điều trị bằng thuốc kháng sinh để ngăn ngừa các biến chứng.
Bệnh viêm họng do liên cầu khuẩn thường có triệu chứng nặng hơn so với các nguyên nhân khác. Nếu bệnh nhân không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể dẫn tới các biến chứng nhiễm trùng ở amidan, ở tai, máu, viêm thận và sốt thấp khớp. Sốt thấp khớp có thể dẫn tới đau khớp và viêm, phát ban thậm chí làm tổn hại cho van tim.
2. Một số phương pháp tự nhiên hỗ trợ trị viêm họng hiệu quả
Có một số phương pháp điều trị bằng các thành phần tự nhiên nhất định, bạn có thể giảm bớt các triệu chứng khó chịu của nhiễm trùng cổ họng và tăng tốc độ hồi phục khi bị viêm họng. Dưới đây là một số biện pháp khắc phục đơn giản nên áp dụng khi bị đau rát họng, viêm họng:
2.1 Cỏ xạ hương, mật ong và chanh chữa nhiễm trùng cổ họng
Cỏ xạ hương (thyme) là một loại thảo mộc có họ hàng với bạc hà. Lá và dầu cỏ xạ hương từ lâu đã được sử dụng như một phương thuốc thảo dược để điều trị một số vấn đề sức khỏe thông thường. Cỏ xạ hương rất hiệu quả trong việc giảm đau họng. Điều này là do đặc tính khử trùng, kháng sinh và kháng nấm. Mật ong cũng rất hữu ích trong hỗ trợ trị bệnh viêm họng, giảm viêm và làm dịu cổ họng. Kết hợp các thành phần này với nước chanh sẽ tạo ra hỗn hợp lý tưởng để uống trong ngày.
Cỏ xạ hương thường được sử dụng như một phương thuốc chữa ho tự nhiên.
Cách làm
- Đun sôi 1 lít nước và thêm 2 thìa cỏ xạ hương tươi.
- Thêm vào nước cốt của 1 quả chanh và cả vỏ của nó. Đun sôi trong 10 phút.
- Sau đó để nguội trong 10 phút và lọc bỏ bã.
- Thêm 2 thìa mật ong và uống làm nhiều lần trong ngày.
2.2 Nước tỏi tiêu diệt virus gây viêm họng
Tỏi là một trong những nguyên liệu tự nhiên phổ biến nhất có tác dụng tốt đối với các tình trạng liên quan đến cảm lạnh và cảm cúm. Loại gia vị quen thuộc này có đặc tính kháng sinh và có hiệu quả trong việc loại bỏ một số loại vi khuẩn, nấm và virus.
Cách làm:
Giã nát một nhánh tỏi, để tiếp xúc với không khí trong vài phút để các hợp chất được kích hoạt. Sau đó pha loãng tỏi với nửa cốc nước ấm và uống. Bạn có thể tiêu thụ thức uống này 2 lần một ngày để có tác dụng tốt nhất.
2.3 Trà hoa cúc làm dịu cổ họng
Hoa cúc la mã là một trong những loại dược liệu lâu đời nhất được sử dụng để giảm một số vấn đề sức khỏe. Nhờ đặc tính kháng khuẩn và chống viêm, trà hoa cúc là một lựa chọn tốt để giảm bớt sự khó chịu liên quan đến nhiễm trùng cổ họng.
Cách làm
Đun sôi 500ml nước và cho 2 thìa hoa cúc vào. Tiếp tục đun trong 1-2 phút hoặc hãm trong bình kín để hoa nở hết là có hỗn hợp trà hoa cúc. Uống ngày 2 lần. Có thể thêm mật ong nếu thích vị ngọt.
2.4 Tinh bột nghệ và trà xanh tốt cho người bị viêm họng
Trà xanh có đặc tính chống viêm mạnh mẽ, kết hợp với nghệ giàu chất chống oxy hóa hỗ trợ trị viêm họng rất tốt.
Một bài thuốc tự nhiên dễ dàng và hiệu quả khác là kết hợp các đặc tính của trà xanh và nghệ. Cả 2 loại nguyên liệu này đều được chứng minh là có hoạt tính kháng khuẩn, kháng virus, chống viêm và khử trùng, cùng những tác động sức khỏe khác.
Cách làm:
Đun hoặc hãm trà xanh như bình thường. Rót trà xanh ra cốc (200ml) và thêm nửa thìa tinh bột nghệ vào khuấy tan. Để nguội và uống kèm chút mật ong cho dễ uống. Ngày uống 1-2 lần.
Súc miệng bằng nước muối ấm có hiệu quả giúp làm dịu cơn đau họng và rút ngắn thời gian bệnh. Muối mang lại lợi ích giảm viêm, tiêu diệt vi trùng và vi khuẩn.
BS. Phạm Thị Bích Đào cho biết: Khi bị viêm họng chăm sóc và điều trị tại nhà cũng cần được lưu ý. Nếu bệnh nhân bị viêm họng do virus cần chú ý uống nhiều nước để ngăn ngừa tình trạng mất nước. Súc họng bằng nước muối giúp giảm đau rát, giảm viêm sưng.
Súc miệng và họng với nước muối ấm.
Cách làm:
Pha muối nguyên chất (muối hạt chưa tinh chế) trong một cốc nước nhỏ (1 thìa cà phê muối trong 50ml nước) và súc miệng với chế phẩm này mỗi giờ. Cho nước muối xuống đến cổ họng của bạn và giữ nguyên trong vài giây. Súc vài lần rồi nhổ ra. Lặp lại 1-2 lần.
3. Lời khuyên phòng bệnh
Cần lưu ý rằng đôi khi hệ thống miễn dịch của chúng ta có thể hơi yếu. Trong thời gian này, cơ thể có khả năng “phòng thủ” thấp và dễ bị nhiễm trùng cơ hội và một số bệnh nhất định. Do đó, điều cực kỳ quan trọng là bạn phải nhớ ăn uống đúng cách để tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
Với các triệu chứng đau, khô rát họng gây khó chịu, có thể dùng máy tạo ẩm, nghỉ ngơi cho tới khi thấy khỏe mạnh. Nghỉ ngơi là một cách rất tốt để bạn lấy lại sức lực và cho phép hoạt động của hệ thống phòng thủ tự nhiên. Hãy dành cho mình một khoảng thời gian nghỉ ngơi xứng đáng để tăng tốc độ hồi phục. Ngủ trưa vào ban ngày và ngủ đủ giấc vào ban đêm.
TS.BS Phạm Thị Bích Đào khuyến cáo: Để phòng bệnh, mọi người cần giữ ấm cơ thể nhất là khi thời tiết thay đổi lạnh đột ngột. Nhiệt độ thấp kèm với độ ẩm cao khiến cơ thể rất dễ bị cảm lạnh dẫn đến viêm họng, viêm nhiễm các xoang. Giữ ấm cho cơ thể bằng cách mặc quần áo đủ ấm; ăn uống nóng. Cần chăm sóc trẻ chu đáo, tránh nhiễm lạnh do mưa, mặc đủ ấm, đi tất, quàng khăn giữ ấm, tránh gió lạnh… 13 loại trà tốt cho người viêm họng và ho dai dẳng
Một số loại trà như trà chanh, tỏi và gừng, trà hồi hoặc trà lựu rất giàu chất chống viêm, giảm đau và kháng khuẩn. Khi bị viêm họng, ho dai dẳng gây khó chịu có thể tham khảo một số loại trà giúp giảm triệu chứng phiền toái.