Lớp miễn phí định kỳ với mong ước: “Trong mâm cơm gia đình, mỗi người ngồi xuống đều biết mình ăn gì và ăn bao nhiêu cho phù hợp với cơ thể.”
Biến cố sức khỏe thay đổi cuộc đời
Tôi gặp lại Hải Anh rồi buột miệng bảo chị: “Hải Anh làm được việc nhiều người không làm được, ấy là buông bỏ hào quang!”. Chị cười và bảo: “Nhiều người nói vậy, nhưng Hải Anh không cho rằng đó là sự buông bỏ. Chỉ đơn giản Hải Anh thấy được một thứ khác tốt hơn, xứng đáng hơn để mình theo đuổi và cống hiến. Hải Anh đã tìm thấy sứ mệnh của đời mình”.
Và tôi đã được gặp Hải Anh trong phiên bản đã trải qua nhiều biến cố, phải trả giá bằng đau thương để rồi vượt qua, đúc kết lại và miệt mài trao giá trị cho cộng đồng suốt 6 năm qua.
Thì ra, khi ở giai đoạn thăng hoa nhất trong sự nghiệp, Hải Anh đánh mất sức khỏe, đứng giữa lằn ranh sinh tử và gia đình đứng giữa vực thẳm chông chênh.
“Mình stress rất nhiều về công việc, càng có vấn đề ở gia đình thì càng ở chỗ làm nhiều. Về nhà chỉ vào 11h, 12h đêm rồi sáng sớm hôm sau lại đi. Căng thẳng đến đỉnh điểm khi chồng viết đơn ly hôn. Con trai lớn gặp vấn đề ở trường, con trai nhỏ bỗng dưng trở thành một đứa trẻ ngang bướng. Mình mất kết nối với chồng, với con. Và đó là giai đoạn mình nhận thấy có vẻ mình đang chẳng có gì cả”.
Nhưng chưa là gì khi cùng lúc đó biến cố về sức khỏe cùng lúc ập đến. “Hải Anh bị chảy máu trong. Kết quả là chị nhiễm HPV trip 16 CIN1, sau 2 tháng bệnh nặng hơn, tiến triển lên thành HPV trip 16 CIN3. Hải Anh đối diện nguy cơ ung thư. Lúc này bác sĩ chỉ định cắt bỏ toàn bộ tử cung. “Với một người phụ nữ, nỗi đau này ai thấu?!”. Những năm tháng bào mòn sức khỏe mang về những tấm huy chương, những ngày đêm không ngủ miệt mài theo đuổi triết lý “món Việt phải có chỗ đứng trên bàn tiệc thế giới hay mỗi món ăn là một nghệ thuật” thỏa mãn một cái tôi cố chấp đã trả lại điều gì cho sức khỏe của mình? Câu hỏi luôn đặt ra và ám ảnh Hải Anh. “Nếu chỉ còn thở và ăn, thì thở thế nào, ăn cái gì để có thể chữa trị được cho chính mình?”. Và Hải Anh tự đi tìm cho mình câu trả lời.
Hồi sinh từ cân bằng mâm cơm nhà
Trong suốt hơn 1 năm tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ và tự thử nghiệm chữa cho mình bằng cây cỏ và ẩm thực bản địa, kết hợp ăn uống dựa trên kiến thức về dinh dưỡng, luyện tập, Hải Anh trở lại bệnh viện và nhận kết quả xét nghiệm ngoài mong đợi khi tất cả những dấu hiệu đe dọa sự sống đều mất đi. Ðiều này như sự củng cố niềm tin về con đường mà chị đã tìm ra với bản thân mình. Hiểu sức mạnh của ẩm thực bản địa, về giá trị của mâm cơm nhà…
“Cuối năm 2019, đầu năm 2020 khi COVID-19 ập đến, đó là giai đoạn cứu sống cuộc đời mình, đã làm sống dậy tất cả những mầm mống mà trước đây mình đã gieo”, Hải Anh nói.
Ðóng cửa tất cả các cửa hàng, “mình trở về với chính mình, yêu thương mình nhiều hơn”. Chị dành thời gian thiền, thở, tập thể dục và chọn bữa ăn phù hợp. Lúc đó mình bắt đầu thay đổi và ý niệm về dinh dưỡng thuận tự nhiên hình thành. Hải Anh nhận ra tất cả những chỉ dẫn, bài học, thách thức, góc cua, hay những cơn đau đều đưa đến một thứ duy nhất: là giúp mình, giúp người cải thiện sức khỏe qua ăn uống.
Ðó cũng là thời kỳ Hải Anh thấy được bản chất cốt lõi của ẩm thực và tự nhủ: “Hải Anh ạ! Mày cũng chỉ đi theo những thứ hào nhoáng ở bên ngoài thôi. Ở đất nước mày kìa, hãy nhìn xem còn rất nhiều người chưa biết cách ăn một mâm cơm Việt như thế nào. Tại sao không hướng dẫn những điều này?”. Và chị quyết định dừng toàn bộ thứ liên quan tới nhà hàng, đầu bếp chuyên nghiệp hay những lời mời từ đối tác để dành tâm huyết cho hoạt động chữa lành từ mâm cơm nhà.
Ở thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, cách ly diễn ra trên diện rộng, Hải Anh tổ chức là hỗ trợ, chữa lành từ mâm cơm nhà dành cho chính những người trong hoạt động cách ly. Hải Anh quan sát thấy bình thường mọi người hướng ra bên ngoài nhiều quá, họ cần nhà hàng, cần món ăn, cần người khác phục vụ nên khi bỗng dưng bị “nhốt ở trong nhà” dễ khủng hoảng về tâm lý.
Từ đó Hải Anh hướng dẫn mọi người những kỹ năng đơn giản. Chị yêu cầu: “Bạn bầy tất cả mọi thứ lên bàn để tôi xem bạn có những gì trong nhà mà bạn bảo không có đồ ăn. Hải Anh nhìn thấy quá trời đồ. Chỉ là bình thường họ hướng ra bên ngoài và không biết kỹ năng rất cơ bản là kỹ năng nấu ăn bảo quản nguyên liệu và phối hợp để tạo thành món ăn. Lúc đó Hải Anh hiểu ra, với kỹ năng của một đầu bếp, rất nhiều người đang cần mình” – Hải Anh xúc động nhớ lại.
Tất cả những người tham gia trở nên thay đổi sau chuỗi ngày được Hải Anh hướng dẫn từ xa như vậy. Họ trở thành những người đồng hành cùng Hải Anh giúp đỡ người khác. Những hoạt động được gói trọn trong việc hướng dẫn về cách sắp xếp món ăn, điều hòa dinh dưỡng, cách ăn đúng ăn đủ ở mức cơ bản hay đơn giản là thay đổi thói quen ăn uống để duy trì năng lượng sống tối thiểu, không rơi vào tình trạng suy sụp tinh thần ở thời điểm đó.
Bên cạnh những buổi hướng dẫn ăn đúng cách, chị có những buổi zoom, live stream hướng dẫn mọi người cách bảo quản thực phẩm. Hải Anh càng nhận ra nhiều người đang rất thiếu những kỹ năng cơ bản để nuôi sống bản thân. Mà nấu ăn là một kỹ năng sống rất cơ bản. Không chỉ thế, khi bạn biết nấu, biết ăn còn nó có khả năng thay đổi tình trạng sức khỏe.
“Ðó là giai đoạn chưa bao giờ mình hạnh phúc như thế! Dù khi ấy mình khó khăn về tài chính, mình không được ra ngoài vì dịch, không còn là bếp trưởng, không phải thí sinh thi cử đạt Huy chương Vàng hay nhận giải thưởng quốc tế. Nhưng đó là lúc mình thấy mình hạnh phúc hơn bao giờ hết. Và mình tự hỏi, hạnh phúc này đến từ đâu? Sau khi hỏi đủ nhiều, Hải Anh hiểu rằng nó bắt đầu từ sự phụng sự, từ giúp đỡ nhiều người cải thiện sức khỏe”.
Lan tỏa giá trị…
“Gene của bạn cần thực phẩm truyền thống”. DNA của chúng ta cần thực phẩm truyền thống! Nếu như chúng ta không hiểu chế độ ăn của chúng ta, tức là chúng ta đang ăn lệch. Vậy chế độ ẩm thực nào phù hợp với người máu đỏ da vàng? Nếu chúng ta không tìm được ra cái cơ bản, giá trị cốt lõi của mâm cơm Việt thì có có thể chúng ta sẽ lại biến ẩm thực của đất nước khác thành bản sắc văn hóa ẩm thực của đất nước ta?”, Hải Anh nói.
Và tôi chợt nhận ra, vẫn là Hải Anh như ngày nào. Chị vẫn đau đáu với ẩm thực Việt. Chị thừa nhận trước đây tình yêu quê hương đất nước con người là thứ phải bày ra, nhưng giờ đây Hải Anh muốn nó đi vào cốt lõi để lưu truyền…
Trên hành trình theo đuổi nghề ẩm thực, Hải Anh đặc biệt say mê tìm hiểu đặc tính của từng loại nguyên liệu qua những chuyến đi, trải nghiệm ẩm thực vùng miền để hiểu về ẩm thực Việt và tự hào giới thiệu với bạn bè quốc tế. Chị góp phần làm vinh danh ẩm thực Việt trên bản đồ ẩm thực thế giới và trở thành một trong những đầu bếp nổi tiếng với rất nhiều các giải thưởng danh tiếng đạt được như: Huy chương Vàng toàn quốc trong Vietnam Selection International Catering Cup năm 2016; Giải thưởng “Món cá có vị ngon nhất” trong 12 quốc gia tại thủ phủ ẩm thực Lyon Pháp năm 2017; Top 5 Top Chef với sứ mệnh “Ghi dấu ấn Việt trên bản đồ Ẩm thực Thế giới” năm 2018; tác giả của rất nhiều các đầu sách về ẩm thực…
Hải Anh kể về những chị phải trải qua cảm giác đau xót khi chứng kiến rất nhiều người không biết cách ăn một mâm cơm Việt. “Người ta sính ẩm thực của dân tộc khác và chạy theo nó. Những đứa trẻ thế hệ gene Z thân quen với pizza, mì ý, kim chi, kimbap, cơm cuộn… Và nó khiến mình rất đau!” – Hải Anh bộc bạch.Cũng chính từ đó, Hải Anh cùng các cộng sự trong cộng đồng Dinh dưỡng thuận tự nhiên đã miệt mài cống hiến và lan tỏa nhiều hơn.
Hàng loạt các hoạt động đã diễn ra mang lại giá trị lớn, thay đổi lối sống cho cộng đồng bắt đầu từ mâm cơm gia đình: Workshop để chia sẻ về sức mạnh của cây cỏ Việt, các buổi hướng dẫn về nấu ăn, về dinh dưỡng… Con đường Hải Anh đi ngày càng rõ nét hơn. Các lớp học hồi sinh thông qua ăn uống được tổ chức giúp đỡ được rất nhiều người có các kỹ năng, tìm thấy bản thân, sức khỏe và niềm hạnh phúc từ kết nối với thực phẩm. Các lớp học thực hành mâm cơm nhà được phổ rộng. “Hiểu về thực phẩm và kết nối với nó, chỉ cần thế đã có thể quay về với chính mình, chữa lành và khỏe mạnh hơn” – Hải Anh chia sẻ.
Hải Anh khởi xướng Cấy nền ẩm thực, dự án thuộc hệ sinh thái Cấy nền Việt Nam. Kêu gọi cộng đồng chung tay thực hiện một cuộc cách mạng bậc nhất cho chính mình đó là: “Chữa lành từ mâm cơm nhà”. Cấy nền ẩm thực mong muốn mang đến cộng đồng một nền tảng vững chắc liên quan đến khía cạnh ẩm thực, những món ăn, thức uống đem đến nguồn dinh dưỡng nuôi sống chúng ta hàng ngày, để mỗi bữa ăn người Việt đều là ăn để hạnh phúc. Có thể hướng dẫn cho cộng đồng hiểu để áp dụng nấu và ăn với nguyên tắc 3 cân “cân bằng nhóm chất, cân bằng sắc màu, cân bằng ngũ vị”.
Hành trình này của Hải Anh vẫn còn rất dài. Bên cạnh chị giờ đây đã có sự cộng hưởng của rất nhiều các chuyên gia y tế, các bác sĩ chuyên gia dinh dưỡng, những đầu bếp hay các chuyên gia ẩm thực bản địa. Tất cả đều chung một khát vọng lớn, chung một tình yêu với ẩm thực việt, theo cách Hải Anh đã trải qua: Không ồn ào, không hoa mỹ nhưng thiết tha và khao khát đến cháy lòng!